GIỚI THIỆU *
Am hiểu luật và các quy định của Việt Nam liên quan đến thực phẩm có thể là một thách thức. Chính phủ dựa vào các luật chung để quy định chất lượng của hàng hóa, bao gồm thực phẩm. Bên cạnh đó, cũng có một số quy định cụ thể áp dụng đối với các sản phẩm thực phẩm. Điều này có nghĩa rằng có hai nhóm quy định – một nhóm bao gồm hàng hóa nói chung và một nhóm quy định khác bao gồm sản phẩm thực phẩm – và chúng thường chồng chéo nhau.
Các luật chính yếu về chủ đề này là Luật Chất lượng Sản phẩm, Hàng hóa[1] (“LCLSPHH”) và Luật An toàn Thực phẩm[2] (“LATTP”). LCLSPHH quy định rằng “Nhà nước áp dụng một hệ thống thống nhất để kiểm soát chất lượng hàng hóa”[3]. Tuy nhiên, “trong trường hợp có các hiệp ước quốc tế mà nước Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam là thành viên, có chứa các điều khoản khác với LCLSPHH, thì các điều khoản trong các hiệp ước quốc tế sẽ được áp dụng.”[4]
LCLSPHH có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2008 và thay thế Pháp lệnh về Chất lượng Hàng hóa. LCLSPHH quy định rằng nhà sản xuất và kinh doanh phải chịu trách nhiệm về chất lượng của hàng hóa hoặc sản phẩm mà họ sản xuất hoặc kinh doanh, để đảm bảo an toàn cho con người, động vật, thực vật, tài sản và môi trường, và để nâng cao năng suất, chất lượng và tính cạnh tranh của hàng hóa và sản phẩm Việt Nam[5]. LCLSPHH định nghĩa thêm “hàng hóa” và “sản phẩm”, trong đó chủ yếu là thực phẩm.
LATTP có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2011, thay thế Pháp lệnh về Vệ sinh và An toàn Thực phẩm. LATTP chủ yếu mô tả quyền và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân liên quan đến vấn đề an toàn thực phẩm; các điều kiện để đảm bảo an toàn thực phẩm cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm và xuất khẩu hoặc nhập khẩu thực phẩm; quảng cáo và ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về vấn đề an toàn thực phẩm; giáo dục và thông tin truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.[6]
Luật LCLSPHH giao cho Bộ Khoa học và Công nghê (“BKHCN”) chịu trách nhiệm chung đối với chất lượng hàng hóa, bao gồm thực phẩm,[7] trong khi LATTP giao trách nhiệm về an toàn thực phẩm cho Bộ Y tế (“BYT”),[8] Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (“BNNPTNN”),[9] và Bộ Công thương (“BCT”).[10]
* Cuốn sách này được viết và cập nhật bởi các luật sư của Russin & Vecchi. Cập nhật đến tháng 06/2024.
[1]Luật số 05/2007/QH 12 được phê duyệt bởi Quốc Hội ngày 21 tháng 11, 2007 về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.[2] Luật số 55/2007/QH 12 được phê duyệt bởi Quốc Hội ngày 17 tháng 6, 2010 về an toàn thức phẩm.
[3] LCLSPHH, điều 68.1
[4] Như trên, điều 4.3.
[5] Như trên, điều 5.2.
[6] LATTP, điều 1.
[7] LCLSPHH, điều 68.2
[8] LATTP, điều 62
[9] Như trên, điều 63
[10] Như trên, điều 64