Những Biện Pháp Giảm Phát Thải Khí Nhà Kính

December 8th, 2022
| |
Energy

Việc cắt giảm phát thải khí nhà kính phụ thuộc vào việc áp dụng các biện pháp và tác nhân khác nhau như thuế, hạn ngạch, các biện pháp hành chính, phạt vi phạm, các chương trình tiết kiệm và sử dụng năng lượng hiệu quả, tái trồng rừng, và tạo ra năng lượng từ các nguồn phi các-bon.

Các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu gây ra đã được cảm nhận sâu sắc tại Việt Nam. Khí thải CO2 được xác định là tác nhân nguy hiểm gây ra các hệ quả xấu đối với môi trường, điều này không còn xa lạ, hay chỉ còn là trên lý thuyết.

Không chỉ ở Việt Nam, các ảnh hưởng ngày càng gia tăng đối với sức khỏe và các ảnh hưởng trực tiếp đối với khí hậu có thể nhận thấy mọi nơi dưới các hình thức như lũ lụt , bão tố, hạn hán, cháy rừng. Ngoài các ảnh hưởng mà chúng ta đã biết hiện nay, có quan ngại lớn hơn về các ảnh hưởng do biến đổi khí hậu mà chúng ta chưa biết và các thiệt hại có thể không thể khắc phục được.

Cùng góp chung vào nỗ lực toàn cầu trong việc áp dụng các biện pháp quy định tại Hiệp định Paris 2016, Việt Nam đã ban hành một số văn bản pháp quy nhằm đạt được mục tiêu nêu tại Hiệp định. Định hướng và hướng đi của Việt Nam được quy định chung tại Luật Bảo vệ Môi trường và chi tiết tại các văn bản pháp quy khác trong năm 2022, như là Nghị định 06/2022/NĐ-CP của Chính phủ về giảm nhẹ phát thải nhà kính, và Quyết định 01/2022/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Chương trình cắt giảm phát thải nhà kính của Việt Nam hướng tới đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050, trong đó giai đoạn đầu tới năm 2030, Chính phủ đưa ra mục tiêu giảm tối thiểu 564 triệu tấn khí thải CO2. Mục tiêu này là khá táo bạo, đòi hỏi các lĩnh vực và ngành chủ yếu tạo ra phát thải nhà kính phải giảm thiểu lượng khí thải.

 

Theo Nghị định 06, Bộ Công thương được giao chỉ tiêu giảm thiểu phát thải nhà kính gần bằng một nửa chỉ tiêu quốc gia tính tới năm 2030. Liên quan tới vấn đề này, hiện nay Bộ Công thương đã soạn thảo quy hoạch phát triển điện toàn quốc (được biết đến với tên gọi là Quy hoạch 8), trong đó có đưa mục tiêu giảm thiểu phát thải khí nhà kính vào Quy hoạch 8 như là môt mục tiêu quan trọng.

Theo bản dự thảo mới nhất của Quy hoạch 8, Việt Nam sẽ ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới sau năm 2030, khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo với mục tiêu điện năng tạo ra từ các nguồn phi các-bon (điện gió, điện mặt trời và thủy điện) dự tính sẽ đạt 41,4% tổng số điện năng tạo ra vào năm 2030.

Việc phát triển các nhà máy điện nguyên tử cũng được đưa ra xem xét lại và đưa vào dự thảo của Quy hoạch 8. Trong tương lai, Việt Nam có thể xây các nhà máy điện nguyên tử có quy mô nhỏ và an toàn.

Nghị định 06 cũng yêu cầu các đơn vị sản xuất và công ty hoạt động trong các lĩnh vực ngành nghề khác nhau phải áp dụng các biện pháp để thu hồi và giảm thiểu phát thải nhà kính, hoặc/và phải nộp tiền cho việc thải ra các phát thải nhà kính vượt hạn ngạch cho phép. Quy định này sẽ có hiệu lực từ năm 2026.

Hiện nay, chỉ có các đơn vị sản xuất và công ty (đơn vị gây phát thải nhà kính) mà tạo ra trên 3.000 tấn khí CO2 trong một năm mới phải tuân thủ thực hiện các quy định tại Nghị định 06. Danh sách cụ thể các đơn vị sản xuất và công ty có thể tra cứu tại Quyết định 01. Danh sách này cũng có thể thay đổi theo từng thời điểm.

Thuế các-bon

Thuế các-bon là một loại thuế gián thu đánh trên người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Loại thuế này được ban hành tại các gia thuộc Liên minh Châu Âu và các nước phát triển khác. Học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này, lần đầu tiên vào năm 2019, Việt Nam đã áp dụng một loại thuế tương tự có tên gọi là thuế bảo vệ môi trường đánh vào người tiêu dùng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Mức thuế đối với từng loại nhiên liệu hóa thạch được xác định cụ thể.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuế bảo vệ môi trường không tạo ra nhiều chuyển biến tích cực khi người tiêu dùng cũng như các ngành công nghiệp khác nhau vẫn tiếp tục thải phát thải nhà kính vào không khí. Thuế bảo vệ môi trường có lẽ cũng chỉ là biện pháp không đầy đủ nhằm cắt giảm một phần phát thải nhà kính. Có những quan điểm tin rằng, thái độ của người tiêu dùng nhiên liệu hóa thạch có thể sẽ thay đổi nhiều hơn nếu tăng thuế bảo vệ môi trường.

Chẳng hạn, khi xăng hoặc dầu diesel trở nên đắt đỏ do việc tăng thuế bảo vệ môi trường, người tiêu dùng có thể bắt đầu chuyển sang sử dụng xe điện, hay các nhà sản xuất điện cũng có thể chuyển sang dùng các nguồn phi các-bon để sản xuất điện (thay vì sử dụng khí đốt hay than).

Mặc dù việc tăng thuế có thể tăng ngân sách nhà nước, nhưng nó cũng có thể ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế và thu nhập của người tiêu dùng. Trong mọi trường hợp, việc áp dụng một sắc thuế, cũng như việc xác định một mức thuế thích hợp là bao nhiêu cần phải xem xét một cách hợp lý và công bằng.

Hạn ngạch các-bon

Việc áp dụng hạn ngạch là một biện pháp bổ sung nhằm áp giá đối với việc phát thải khí nhà kính và chỉ áp dụng đối với các đơn vị gây phát thải nhà kính. Chính phủ sẽ quy định mức tối đa mà một đơn vị gây phát thải nhà kính có thể được phép thải ra môi trường. Việc phân chia hạn ngạch giữa các ngành nghề và công ty, trong đó giấy phép chủ yếu được cấp trên cơ sở miễn phí, nhưng cũng có một cơ chế cấp phép trên cơ sở đấu giá.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm xây dựng và trình lên Thủ tướng tổng hạn ngạch phát thải nhà kính và quy chế đấu giá giai đoạn 2026 – 2030 để được phê duyệt. Căn cứ vào tổng hạn ngạch được phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với các bộ, ngành khác để phân bổ hạn ngạch phát thải nhà kính cho từng đơn vị gây phát thải nhà kính.  Nếu các đơn vị gây phát thải nhà kính muốn tăng hạn mức tối đa, thì các đơn vị này cũng có thể mua các tín chỉ các-bon từ các đơn vị sở hữu tín chỉ này, hay các đơn vị gây phát thải nhà kính có thể tham gia các hoạt động hay chương trình được cấp tín chỉ các-bon, hoặc các đơn vị này cũng có thể phải tự tìm cách giảm thiểu phát thải nhà kính của chính mình.

Hiện còn khoảng 3 năm để các đơn vị gây phát thải nhà kính có các kế hoạch và biện pháp thích hợp nhằm giảm thiểu phát thải nhà kính, hoặc có thể sẽ phải có nghĩa vụ tài chính (thông qua mua các tín chỉ các-bon) thanh toán cho lượng phát thải nhà kính mà mình thải ra không khí.

Thị trường các-bon  

Nghị định 06 đưa ra mục tiêu tạo ra cơ chế và môi trường để có thể trao đổi và mua bán các tín chỉ các-bon, nhằm xây dựng và tạo ra thị trường các-bon trong nước vào năm 2028. Vào thời điểm đó, các tín chỉ các-bon có thể được mua bán và cấn trừ vào lượng phát thải nhà kính vượt hạn ngạch cho phép. Do mức cấn trừ cho mỗi đơn vị gây phát thải nhà kính bị giới hạn ở mức 10% tổng hạn ngạch được cấp, việc mua bán tín chỉ các-bon cũng chỉ là giải pháp tạm thời.

Hiện còn quá sớm để biết thị trường các-bon sẽ hoạt động ra sao và các đơn vị gây phát thải nhà kính sẽ bị ảnh hưởng như thế nào. Điều này phụ thuộc và nhiều yếu tố như tình trạng thị trường, việc phát triển công nghệ, và các chính sách cụ thể của Chính phủ đối với hạn ngạch cũng như cơ chế đấu giá. Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sẽ cần phải có quy định và chỉ dẫn làm rõ thêm.

*      *      *

* Phiên bản tiếng Anh trước đó của bài viết “Vietnam’s Policy for Decarbonization” đã được đăng trên Lexology ngày 18/10/2022.  Phiên bản tiếng Anh và tiếng Việt vừa được đăng trên Special Publication of Vietnam Investment Review “Sustainable Development – Phát Triển Bền Vững 2022”

Contact Us

Tel: (84-28) 3824-3026